Trước năm 1959

Như là một qui luật, trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta bao giờ cũng phải đối đầu với những kẻ xâm lược to lớn hơn về mặt lãnh thổ, mạnh hơn về quân sự và tiềm lực kinh tế dồi dào. Phải chăng vì thế mà truyền thống tổ chức thực hiện chiến tranh nhân dân đầy mưu trí sáng tạo của nhân dân Việt Nam càng tô đậm thêm những trang sử oai hùng. Đặc biệt trong giai đoạn chống Mỹ, chiến tranh nhân dân càng đẩy mạnh, đấu tranh chính trị được xem như một mũi giáp công trực tiếp hoặc gián tiếp đánh vào kẻ thù, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, trong đó có sự đóng góp đáng kể của giới nữ.

Đấu tranh chính trị của phụ nữ miền Nam từ những ngày đầu khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới thành lập đến năm 1959

Đấu tranh chính trị và tinh thần đấu tranh của phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời. Không phải ngẫu nhiên mà trong phong trào cách mạng miền Nam có “đội quân tóc dài” được cả nước biết đến và thế giới khâm phục. Phụ nữ vừa là lực lượng chủ động, vừa là lực lượng nồng cốt sáng tạo nên cách đánh độc đáo phù hợp với chiến tranh nhân dân và gần như là lực lượng “độc quyền”, “làm chủ toàn diện” từ khởi xướng, vận động, tổ chức nội dung lẫn hình thức, trở thành một mũi xung kích cực kỳ lợi hại “đi trong lửa đạn, đi như nước lũ tràn về...", đóng vai trò chủ lực trong các cuộc nổi dậy. Phong trào kiên trì nhiều năm tháng, luôn biến hóa, thể hiện trình độ giác ngộ, sự thông minh và nhạy bén của phụ nữ. Từ lực lượng phụ nữ, phong trào tập hợp thêm nhiều tầng lớp nhân dân khác: nông dân, học sinh, trí thức, tu sĩ, thậm chí cả binh sĩ ngụy… với những hình thức đấu tranh hợp pháp: biểu tình, tuần hành, bãi thị, các cuộc đấu tranh chống bắt lính, chống dồn dân lập “ấp chiến lược”, chống bắn pháo, rải chất độc hóa học, đấu tranh đòi bồi thường nhân mạng khắp nông thôn, thành thị miền Nam. Vũ khí đấu tranh của họ không phải là súng đạn, mà chủ yếu là lòng yêu nước, là tinh thần quật khởi của phụ nữ. Không hiếm những trường hợp với tay không và bằng mưu trí, lực lượng phụ nữ đã hạ được đồn bót giặc, hoặc vô hiệu hóa từng đơn vị chiến đấu của địch. Từ đó, tạo nên “huyền thoại về đội quân tóc dài” - một loại binh chủng đặc biệt rất sáng tạo, biến hoá linh hoạt, thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể, phát triển trong mọi điều kiện, mang nhiều màu sắc, giữ vững thế liên tục, đặc biệt ở những khu vực khó khăn, trong những giai đoạn thử thách gay go nhất, góp phần quan trọng cùng với mũi quân sự và binh vận, đánh dấu sự trưởng thành của cách mạng ở mỗi thời kỳ.

 1. Đấu tranh chính trị của phụ nữ miền Nam từ những ngày đầu khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới thành lập đến năm 1959

Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động nhiều cao trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Năm 1930-1931 ở miền Nam hàng trăm cuộc biểu tình, bãi công, bãi thị của công, nông… nổ ra đều có đông đảo phụ nữ tham gia. Ngoài những yêu sách chống đánh đập, cúp phạt lương, miễn sưu thuế của công nhân, còn có những yêu sách riêng cho nữ công nhân như: trả lương, phát gạo khi sinh đẻ. Các cuộc đấu tranh công khai hợp pháp trên diễn đàn báo chí cũng được khởi xướng như cuộc vận động nữ quyền trên báo Phụ nữ Tân Văn vào năm 1933 với những bài xã luận đầy ý nghĩa. Phụ nữ công khai tổ chức thành đoàn thể của giới mình với những hình thức đấu tranh hợp pháp như: biểu tình đòi dân sinh, dân chủ, chống thuế, chống phát xít…. hết sức rầm rộ. Năm 1936 -1939 với phong trào Đông Dương đại hội, phụ nữ miền Nam đóng góp tích cực vào cuộc vận động yêu nước ở tất cả các cấp, tích cực công tác xã hội và đấu tranh chính trị, cụ thể như cuộc biểu tình chào đón Godard, đòi hòa bình. Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), phụ nữ miền Nam tham gia đông đảo trên nhiều lĩnh vực của đấu tranh chính trị như: đòi dân sinh, dân chủ, đòi quyền lợi thiết thân hàng ngày cho công nhân, chống đuổi nhà, đốt nhà của nhân dân lao động, chống bắt lính, chống hãm hiếp phụ nữ… Cụ thể như cuộc biểu tình đón Justin Godart, đám tang Trần Văn Ơn, Trần Bội Cơ…

backtop