Sau nghị quyết 15

Như là một qui luật, trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta bao giờ cũng phải đối đầu với những kẻ xâm lược to lớn hơn về mặt lãnh thổ, mạnh hơn về quân sự và tiềm lực kinh tế dồi dào. Phải chăng vì thế mà truyền thống tổ chức thực hiện chiến tranh nhân dân đầy mưu trí sáng tạo của nhân dân Việt Nam càng tô đậm thêm những trang sử oai hùng. Đặc biệt trong giai đoạn chống Mỹ, chiến tranh nhân dân càng đẩy mạnh, đấu tranh chính trị được xem như một mũi giáp công trực tiếp hoặc gián tiếp đánh vào kẻ thù, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, trong đó có sự đóng góp đáng kể của giới nữ.

Đấu tranh chính trị của phụ nữ miền Nam từ khi có Nghị quyết 15.

Đấu tranh chính trị và tinh thần đấu tranh của phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời. Không phải ngẫu nhiên mà trong phong trào cách mạng miền Nam có “đội quân tóc dài” được cả nước biết đến và thế giới khâm phục. Phụ nữ vừa là lực lượng chủ động, vừa là lực lượng nồng cốt sáng tạo nên cách đánh độc đáo phù hợp với chiến tranh nhân dân và gần như là lực lượng “độc quyền”, “làm chủ toàn diện” từ khởi xướng, vận động, tổ chức nội dung lẫn hình thức, trở thành một mũi xung kích cực kỳ lợi hại “đi trong lửa đạn, đi như nước lũ tràn về...", đóng vai trò chủ lực trong các cuộc nổi dậy. Phong trào kiên trì nhiều năm tháng, luôn biến hóa, thể hiện trình độ giác ngộ, sự thông minh và nhạy bén của phụ nữ. Từ lực lượng phụ nữ, phong trào tập hợp thêm nhiều tầng lớp nhân dân khác: nông dân, học sinh, trí thức, tu sĩ, thậm chí cả binh sĩ ngụy… với những hình thức đấu tranh hợp pháp: biểu tình, tuần hành, bãi thị, các cuộc đấu tranh chống bắt lính, chống dồn dân lập “ấp chiến lược”, chống bắn pháo, rải chất độc hóa học, đấu tranh đòi bồi thường nhân mạng khắp nông thôn, thành thị miền Nam. Vũ khí đấu tranh của họ không phải là súng đạn, mà chủ yếu là lòng yêu nước, là tinh thần quật khởi của phụ nữ. Không hiếm những trường hợp với tay không và bằng mưu trí, lực lượng phụ nữ đã hạ được đồn bót giặc, hoặc vô hiệu hóa từng đơn vị chiến đấu của địch. Từ đó, tạo nên “huyền thoại về đội quân tóc dài” - một loại binh chủng đặc biệt rất sáng tạo, biến hoá linh hoạt, thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể, phát triển trong mọi điều kiện, mang nhiều màu sắc, giữ vững thế liên tục, đặc biệt ở những khu vực khó khăn, trong những giai đoạn thử thách gay go nhất, góp phần quan trọng cùng với mũi quân sự và binh vận, đánh dấu sự trưởng thành của cách mạng ở mỗi thời kỳ.

2. Đấu tranh chính trị của phụ nữ miền Nam từ khi có Nghị quyết 15.

Sau khi Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương được ký kết, Đảng nhận định lực lượng cách mạng ở miền Nam thay đổi không có lợi cho cách mạng miền Nam, vì bộ máy chính quyền Sài Gòn đang ráo riết thi hành chính sách “tố cộng, diệt cộng”, lập các khu trù mật, gây ra nhiều vụ thảm sát. Trong tương quan lực lượng đó, ta thay đổi phương thức đấu tranh, từ đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Pháp sang đấu tranh chính trị với sự ra đời của Nghị quyết 15 (01/1959) “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân… lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của Đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Theo tinh thần của Nghị quyết 15, nhân dân Bến Tre tiến hành cuộc Đồng khởi từ tay không cướp đồn địch, giành chính quyền với cuộc nổi dậy của nhân dân 3 xã Phước Hiệp, Định Thủy, Bình Khánh (huyện Mỏ Cày) ngày 27/02/1960 và cuộc đấu tranh chính trị của 7000 phụ nữ huyện Giồng Trôm vào tháng 3/1960. Từ thắng lợi này, Xứ ủy Nam Bộ phát động Đồng khởi trên toàn miền Nam. Tổng kết phong trào Đồng khởi năm 1960, có 9 triệu lượt quần chúng nổi dậy, gần 1 triệu lượt phụ nữ đấu tranh trực diện kết hợp với lực lượng vũ trang góp phần làm tan rã trên 2 vạn binh lính và dân vệ, phá kìm kẹp 895 xã trên tổng số 1.193 xã ở miền Nam. Trong khí thế sôi nổi của phong trào Đồng khởi, ngày 20/12/1960 Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 8/3/1961, Hội Liên hiệp Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập là ngọn cờ hiệu triệu, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ miền Nam và lãnh đạo các cuộc đấu tranh chính trị của phụ nữ đã vận dụng sáng tạo phương châm “hai chân, ba mũi” và thể hiện nó trong từng đợt đấu tranh, trong từng chiến dịch, bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của địch.

   Đấu tranh chính trị của phụ nữ miền Nam có một số những đặc điểm như sau:

- Phụ nữ nắm rất chắc phương châm và phương thức bạo lực chiến tranh nhân dân của Đảng, biết tạo ra những biện pháp đấu tranh thích hợp, coi trọng đấu tranh chính trị, nhưng đồng thời biết kết hợp với đấu tranh vũ trang, nên đã huy động được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân đứng trong một Mặt trận thống nhất chống Mỹ xâm lược.

Những cuộc đấu tranh chính trị dồn dập của phụ nữ đã ngăn chặn được sự đánh phá, bắt bớ của địch và thông qua đấu tranh chính trị đã duy trì được khí thế đấu tranh của quần chúng. Tuy nhiên, lực lượng chính trị của quần chúng phụ nữ dù được tập hợp và được sử dụng đến mức cao nhất, cũng chưa đủ để đối phó với cuộc đấu tranh đơn phương của địch, khi địch quyết dùng máu lửa để đánh phá cách mạng. Do vậy, đấu tranh chính trị được đẩy mạnh song song đấu tranh vũ trang để tiến công địch. Tại miền Nam, đấu tranh chính trị và quân sự đã kết hợp chặt chẽ ngay từ những năm 1961-1965, càng về sau càng phát triển mạnh mẽ từ cuối năm 1963, có đủ quy mô: to, vừa, nhỏ. Số người tham gia từ hàng chục người đến hàng vạn người, từ phạm vi xã, ấp phát triển thành những đợt dài ngày trên phạm vi một vài huyện, phá tan từng mảng “ấp chiến lược” của địch.

- Phụ nữ nắm vững và vận dụng thích hợp khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, kết hợp với khẩu hiệu chính trị, thiết thực gắn với quyền lợi của quần chúng trong từng thời kỳ, đi từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao, từ tự phát đến tự giác, từ thương lượng đến bạo lực công khai giành thắng lợi lớn hơn về chiến lược.

Vấn đề khẩu hiệu rất rộng, ngay trong khẩu hiệu chiến lược cũng có khẩu hiệu thời kỳ cách mạng ngắn phản ánh bước quá độ từ thời kỳ này sang thời kỳ khác, cũng có khẩu hiệu trước mắt cho từng cuộc đấu tranh. Khẩu hiệu đấu tranh thường được chia làm hai loại: kinh tế và chính trị (văn hóa, xã hội thường được đưa vào chính trị). Khẩu hiệu dân sinh kết hợp với khẩu hiệu chính trị tạo thành thế đấu tranh toàn diện trên nhiều mặt. Lực lượng phụ nữ được chỉ đạo kịp thời để nắm vững âm mưu, thủ đoạn của địch, nguyện vọng của nhân dân và đề ra những khẩu hiệu bức thiết, sát với quảng đại quần chúng. Nếu chỉ vận động quần chúng đấu tranh đòi những quyền lợi trước mắt mà không tấn công vào chế độ chính trị của địch thì sẽ hạn chế rất nhiều khí thế đấu tranh của nhân dân. Khi cách mạng lên đến cao trào, quần chúng không những giác ngộ những khẩu hiệu về kinh tế mà còn hiểu nhiều khẩu hiệu chính trị khác. Các khẩu hiệu dân sinh thường được sử dụng: chống càn quét, chống gom dân lập ấp chiến lược, chống bắn pháo bừa bãi, đòi bồi thường sinh mạng và tài sản, chống bắt lính trong sư sãi, chống góp chợ, chống đuổi nhà, đuổi chỗ bán, chống đàn áp Phật tử, chống tăng thuế, phạt vạ tiểu thương các chợ, đòi bảo vệ nhân phẩm cho phụ nữ. Đồng thời liên kết, quy tụ các phong trào đó vào những mục tiêu chính trị, kết hợp với các khẩu hiệu: tẩy chay việc suy tôn Ngô Đình Diệm làm Tổng thống, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, đòi vãn hồi hòa bình, đòi Thiệu-Kỳ từ chức, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược…” Địch ra sức khủng bố bằng cách cho vẽ khẩu hiệu phản động lên nón, áo; phụ nữ phản đối lại bằng cách lột nón, lộn trái áo, mặc áo trái cho khẩu hiệu địch vào bên trong.

- Phụ nữ kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với binh vận tạo nên thế mạnh để giành những thắng lợi

    Đấu tranh chính trị phối hợp với binh vận phát huy tối đa tác dụng, bằng việc kêu gọi binh lính, vận động gia đình có chồng con đi lính hãy đoạt đồn, lấy bót. Số lính rã ngũ ngày thêm đông, nhiều đồn bót bị tan rã. Đấu tranh chính trị càng lên cao sẽ càng hạ uy thế địch xuống thấp và nâng cao uy thế quần chúng. Làm cho địch sa sút ý chí, công tác binh vận sẽ phát huy được tối đa sức mạnh của mình, đẩy nhanh tiến độ phản chiến trong binh sĩ địch, để khi có thời cơ sẽ phối hợp lấy đồn hàng loạt. Đặc biệt, chỉ có phụ nữ làm công tác binh vận. Chỉ tính riêng tại Tây Nam Bộ, năm 1964 có gần 400.000 phụ nữ công tác binh vận, năm 1965 công tác binh vận được đẩy mạnh xuất hiện phong trào “mẹ lấy đồn con, vợ lấy đồn chồng”.

    Phương pháp sử dụng trong binh vận của phụ nữ rất cụ thể và sáng tạo: vận động binh sĩ quay súng về với nhân dân bằng cách kêu gọi gia đình binh lính, ở một số nơi, phụ nữ trực tiếp đến đồn bót kêu gọi chồng con trở về, không đi lính quốc gia. Tuyên truyền những khẩu hiệu hòa bình trực tiếp đến các cấp của hệ thống chính quyền Ngụy: rải truyền đơn bươm bướm đến các đồn giặc, dùng dư luận bàn tán những vấn đề thời sự, tung tin tác động đến sự phản chiến trong lính ngụy, viết bản cáo trạng tội ác dán theo các ngã đường hành quân của địch.

- Đấu tranh chính trị của phụ nữ không những đánh trực tiếp vào quân ngụy mà còn trực tiếp với cả Mỹ.

     Phong trào đấu tranh chính trị trực diện chống quân viễn chinh Mỹ và chư hầu đã có từ năm 1959. Lúc đầu, đồng bào miền Nam còn lo ngại trước một đối tượng hung hãn, xa lạ, chưa dám đấu tranh mặt đối mặt với Mỹ, vì sự khác biệt về ngôn ngữ, đồng thời còn lo ngại tâm lý hiếu chiến của giặc, nhưng về sau càng dũng cảm với những hành động của mình. Phong trào phát triển sôi sục vào năm 1961 và những năm tiếp sau đó với quy mô lớn và liên tục chủ yếu là phong trào chống và phá ấp chiến lược, đặc biệt ở những nơi mà Mỹ đóng quân hoặc ở những nơi mà Mỹ hành quân càn quét, làm dấy lên một phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một li không rời” diễn ra quyết liệt với nhiều phương thức phong phú, mang ý thức nhạy bén của từng địa phương. Một trái bom, một quả đại bác bắn vào làng, chỉ cần một cái nhà bị hư hỏng, một người bị thương hay chết… đều là lý do đưa hàng trăm người kéo đến bọn chỉ huy Mỹ đòi bồi thường. Bên cạnh đó là các cuộc đấu tranh chính trị chống càn tại chỗ, phụ nữ kéo cả đoàn người dùng giáo mác, gậy gộc bao vây chặn đầu xe M113, M41 không cho lính Mỹ đốt nhà, triệt phá xóm làng, chống thảm sát… nêu thẳng khẩu hiệu: Đả đảo Đế quốc Mỹ, Mỹ cút khỏi Việt Nam, đòi chấm dứt chiến tranh tàn phá, đòi bảo vệ chủ quyền dân tộc, đòi Mỹ không được can thiệp vào nội bộ của người Việt Nam, tố cáo Mỹ duy trì chế độ độc tài Thiệu–Kỳ với quy mô lớn và liên tục chủ yếu là phong trào chống và phá ấp chiến lược. Những cuộc đấu tranh tay không của phụ nữ mà cản trở được những cuộc hành quân của địch.

 

backtop