Đấu tranh của nữ tù chính trị

Không phải đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ, phụ nữ mới đấu tranh trong tù. Dưới thời cai trị của thực dân Pháp, nữ tù chính trị phần lớn là những chiến sĩ tiên phong trong các phong trào cách mạng thời kỳ 1930-1935, xuất thân từ phong trào dân chủ 1936-1939 và từ cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940.

Đấu tranh của nữ tù chính trị trong các nhà tù thực dân, đế quốc ở miền Nam Việt Nam

Những con người gan vàng dạ sắt, điển hình: Nguyễn Thị Lựu, Trần Thị Đầy, Thái Thị Nhạn, Nguyễn Trung Nguyệt, Nguyễn Thị Minh Khai, Ngô Thị Huệ, Nguyễn Thị Bảy … đều là những nữ tù chính trị nêu cao khí tiết của người cộng sản, bất chấp đòn roi của kẻ thù. Trong tù, họ đã dũng cảm đấu tranh đòi dân sinh, đòi cải thiện chế độ lao tù…Nữ tù chính trị thời Pháp là những tấm gương tiết liệt, thành quả mà họ dành được qua các cuộc đấu tranh trong tù là những bài học kinh nghiệm lịch sử quý giá được tập thể nữ tù chính trị thời Mỹ kế thừa và phát huy, nâng lên thành phong trào mang đậm dấu ấn cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện.

      Đấu tranh của nữ chiến sĩ cách mạng trong các nhà tù chính quyền Việt Nam Cộng hòa có vị trí đặc biệt trong lịch sử cách mạng ở miền Nam. Đấu tranh bảo vệ khí tiết người chiến sĩ cách mạng là mục tiêu chính trị cao nhất và còn nhằm mục tiêu khác là để bảo vệ cơ sở Đảng, bảo vệ cán bộ cách mạng. Các cuộc đấu tranh dân sinh, dân chủ mang nhiều nội dung và hình thức phong phú khiến địch rơi vào tình thế lúng túng, chật vật đối phó; hình thức đấu tranh đa dạng, nội dung chính trị và dân sinh, dân chủ hòa quyện vào nhau một cách nhịp nhàng thể hiện được sức mạnh đấu tranh tập thể.

           Các cuộc đấu tranh trong các nhà tù thường do những chiến sĩ cách mạng kiên cường trên mặt trận bảo vệ khí tiết người cộng sản nắm vai trò chủ chốt. Các nữ chiến sĩ cách mạng trong các nhà tù là những người trực tiếp thiết lập đường dây giữa các phòng, trại trong cùng một nhà lao, các nữ tù chính trị tìm cách bố trí người vào các trạm xá, khu hỏa lực làm đại diện phòng… đợi dến lúc địch cần người mà tiến cử, đồng thời tranh thủ trật tự tù, binh lính, tù thường phạm để chuyển thư từ. Với đường dây liên lạc bên ngòai, các nữ tù chính trị tìm cách bố trí một số cán bộ nữ hợp pháp trong giới công chức, thân nhân tù chính trị có điều kiện liên lạc hợp pháp với tổ chức bên trong nhà tù để chuyển những chỉ thị theo hướng dẫn đã quy định, với nhiều cách nghi trang nhận và gửi tài liệu.

                   Các nữ tù chính trị tổ chức đấu tranh với nhiều phương pháp phong phú và đa dạng

- Về cách thức khai báo khi bị thẩm vấn: các nữ tù chính trị vận động nhau tuyệt đối không khai báo lý lịch thật, các địa phương đã hoạt động, lấy nguyên tắc bí mật mà chối cãi, lợi dụng lúc địch thay đổi người thẩm vấn mà phản cung, không để địch truy bức kéo dài thẩm vấn

- Về công tác địch vận: lên kế hoạch vận động đội ngũ giám thị, gia đình binh sĩ địch, cảnh sát…và tìm hiểu sơ hở của địch, nhằm hạn chế sự đàn áp của địch và làm mất tính ổn định về an ninh tại các trại giam. Các nữ tù chính trị tranh thủ vận dụng linh họat nhiều loại hình đấu tranh: kiến nghị, hô la tập thể…

* Đấu tranh của “nữ tù chính trị” trong các nhà tù trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ gồm 3 nội dung lớn, đó là:

- Đấu tranh bảo vệ khí tiết của người Cộng sản: là hình thức đấu tranh chính trị nhằm giữ và phát huy uy thế cách mạng, lĩnh vực đấu tranh rộng, nội dung đa dạng: Chống ly khai Đảng, chống học tố cộng: Chống ký kiến nghị ủng hộ Diệm, chống hô khẩu hiệu phản động, chống chào cờ ba que:

- Đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù:  Đây là hình thức đấu tranh dân sinh, dân chủ trong các nhà tù của chính quyền Việt Nam Cộng hòa được thể hiện theo nhiều nội dung như: 

* Đấu tranh đòi cải thiện điều kiện sống trong tù, gồm: đòi cấp rau tươi, cá thịt, nước uống, khẩu phần gạo theo quy định, được ra ngoài tắm giặt, có thuốc men lúc đau ốm, có chiếu nằm, trả phụ nữ và trẻ em về đất liền….

* Chống thi hành nội quy nhà tù, chống làm lao động tạp dịch, đòi trả về phòng, trại cũ, chống đánh đập, đòi giải tỏa phòng biệt giam, chống còng khi đi đày, chống thảm sát tù nhân….

- Đấu tranh biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cách mạng.

* Học tập văn hóa

Trong chế độ cải huấn của nhà tù của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, công tác huấn nghiệp giữ vai trò quan trọng nhằm tạo một nghề, một ít văn hóa cho phạm nhân làm vốn sống khi ra khỏi tù. Ý tưởng tốt đẹp ấy thực tế chỉ là chiêu bài che đậy ý đồ chiêu dụ nữ tù chính trị. Việc dạy nghề cho nữ tù bao gồm các lớp: may máy, thêu đan, đánh máy chữ… Lợi tức từ những sản phẩm do nữ tù làm ra được chia trên nguyên tắc: 40% cho phạm nhân, 10% cho quỹ xã hội, 40% cho quỹ hướng nghiệp, 10% thưởng cho nhân viên quản lý. Tuy nhiên, lợi tức trên bao giờ cũng bị quản đốc nhà giam ăn chặn. Về văn hóa, địch có tổ chức kỳ thi trung học, tú tài nhưng kèm theo là những bài giáo huấn, buổi mạn đàm chính trị với đề tài thuộc loại tuyên truyền, chiêu hồi của Bộ Thông tin Việt Nam Cộng Hòa. Những buổi học như vậy được Ban quản đốc tổ chức thường xuyên dưới sự điều khiển của cán bộ cải huấn trại giam. Nữ tù đấu tranh phản đối chính sách cải huấn này bằng nhiều hình thức linh hoạt, tự tổ chức những lớp học theo chương trình biên soạn riêng. Việc dạy chữ cho nữ tù trong hoàn cảnh tù đày là một công việc thật khó khăn. Bọn cai tù canh giữ nghiêm ngặt, không để cho nữ tù chính trị được sinh hoạt tinh thần như: học văn hóa, văn nghệ, hát xướng… Chúng sợ nữ tù có cơ hội tụ họp bàn chuyện đấu tranh, tuyên truyền chủ trương rộng rãi của Việt cộng. Địch tìm mọi biện pháp ngăn chặn, khủng bố, không bao giờ để nữ tù được yên, nhưng không thể công khai cấm nữ tù chính trị học văn hóa vì theo điều 106, chương 5 của sắc lệnh 148/SLN quy định: “ Trật tự và kỷ luật phải được giữ gìn chặt chẽ, nhưng không mang lại những sự ràng buộc quá mức cần thiết cho việc duy trì an ninh và tổ chức tốt đẹp của đời sống tập thể” cho nên chúng phải sử dụng nội quy khác: cấm tụ tập trên 3 người, không được nói chuyện trao đổi với nhau. Cứ thấy nữ tù chính trị tập họp đông người là chúng biệt giam, không cần biết lý do. Đấu tranh được học tập trong tù, nữ tù chính trị xem trọng, vì đó là tâm tư nguyện vọng giúp nữ tù rèn luyện đạo đức cách mạng, là vũ khí để nữ tù vượt qua sự khắc nghiệt của cuộc sống lao tù đế quốc, vùng dậy khi có điều kiện. Đồng thời, nữ tù dùng giờ học tập để hợp pháp hoá việc tụ tập đông, tạo cơ hội bàn bạc những chủ trương lớn khi đấu tranh. Dù bị địch ngăn cấm, nữ tù vẫn thường bí mật tự tổ chức dạy và học. Khó có thể hình dung một tập thể nhiều người, khác hoàn cảnh, không biết nhau ngoài đời, chỉ vì lòng yêu nước mà bị giam chung một trại đã đoàn kết cùng học tập trong một thời gian dài mà địch không phát hiện. Một số chương trình học tập được nữ tù chính trị phổ biến rộng rãi: di chúc Bác Hồ, học chữ, học vần, làm thơ… Nữ tù chính trị biết tự tạo một cuộc sống tinh thần nơi lao tù, ngoài những lúc bị đàn áp lẻ tẻ, ngoài những đợt đấu tranh kéo dài 9, hoặc 10 ngày, còn lại là thời gian của sinh hoạt học tập, thêu may. Địch thường xuyên lục soát phòng, lục soát từng người, tịch thu tất cả những dụng cụ học tập, giấy tờ... Bắt được phòng giam nào có những thứ trên, chúng đánh đập dã man.

Nhiều sáng kiến được phát huy để tạo phương tiện dạy và học hiệu quả: chia nhỏ lớp, mỗi nhóm học vài giờ với vài người để che mắt địch. Tập là mảnh carton, giấy gói quà thăm nuôi, giấy thuốc lá, bao xi măng, giấy vụn nhặt từ bãi rác mang về. Viết là những cọng tre vuốt nhọn, là than, là gạch viết lên nền xi măng, dùng lọ nồi pha nước làm mực, hoặc căng vải lên miếng ván ép, dùng xà phòng chà lên rồi đem phơi nắng, phủ một lớp ny lông làm bảng đen, muốn xoá chỉ cần giở miếng ny lông ra… Tất cả vật liệu làm dụng cụ học tập được nghi trang vận chuyển từ ngoài vào. Tài liệu giảng dạy được luân chuyển từ nhà giam này qua nhà giam khác, từ phòng, trại này sang phòng, trại khác. Kho kiến thức văn hóa của tập thể nữ tù chính trị phong phú thuộc nhiều lĩnh vực với đủ các môn: toán, sử, địa lý, văn chương, ngoại ngữ: Nga, Anh, Pháp, Hoa… , từ vỡ lòng đến lớp 10. Có cả thời khóa biểu cho lớp học như ở nhà tù Thủ Đức (1970) : Chương trình Anh văn gồm 2 lớp: lớp một - vỡ lòng, lớp hai - bổ túc. Riêng về nghề có nghề đỡ đẻ, chuẩn đoán những bệnh thông thường, thêu ren, may vá, đan móc, làm con thú… Tất cả những môn học phục vụ trực tiếp cho cuộc đấu tranh đều được nữ tù khai thác triệt để, không câu nệ, không máy móc khi vận dụng những kiến thức đã học. Chẳng hạn, khi học về luật sáng tác thơ, nữ tù chính trị làm thơ tố cáo tội ác địch, đồng thời ca ngợi tinh thần đấu tranh bất khuất của nữ tù, qua đó giáo dục lòng căm thù, củng cố niềm tin vào thắng lợi. Việc dạy nhau học nữ công: may vá, thêu đan... giúp nữ tù vượt qua những khổ ải hàng ngày vừa là món quà tinh thần của bản thân,vừa có thể nhắn gởi lời yêu thương làm quà gởi đến người thân, vừa là sản phẩm minh chứng cho sự đấu tranh vượt qua những khổ ải của chế độ giam cầm

*Sinh hoạt ca hát văn nghệ

Phong trào văn nghệ sôi nổi không kém vào ngày Tết, ngày lễ, nữ tù chính trị tổ chức những buổi ca hát, ngâm thơ, diễn tuồng cải lương, diễn kịch do chính nữ tù sáng tác, dàn dựng những tiết mục đặc sắc. Nhiều bài thơ, bài hát được chuyền tay nhau và được nhiều người yêu thích. Một số tiết mục tuồng được sáng tác tại chỗ, hình thức sáng tác theo lối khẩu truyền dạy cho nhau học thuộc và đọc nhiều lần : “Tù Côn Đảo”, “Đây đề lao nha Tổng”, “Người em gái xà lim”, “Tiếng thét nữ tù binh”, “Xuân trong tù”, “Vè tù ngục”(Lưu Hồng Thọai sáng tác tại Côn Đảo - 1958), “Trại câu lưu bất khuất”, “Khóc Bác” (Nguyễn thị Nhiễu - nguyên Hội trưởng Hội phụ nữ Khánh Hoà, sáng tác 1969 tại Côn Đảo)…. Hàng trăm bài thơ, vè đã ra đời trong hoàn cảnh như thế, có nữ tù trong 2 năm bị giam cầm (1970-1972) sáng tác 12 bài thơ: bà Nguyễn Thanh Tùng - nữ tù binh Phú Tài, Trần Bửu Liên - nữ tù Côn Đảo…

Phong trào học văn hóa, văn nghệ trong tù thực chất là cuộc đấu tranh cam go cho câu trả lời về vấn đề tồn tại sống còn giữa nữ tù chính trị và bộ máy cai trị nhà tù, là động lực để nữ tù chính trị đẩy mạnh đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, cải thiện chế độ lao tù. Cho nên, đấu tranh bảo vệ quyền được học, bảo vệ dụng cụ học tập, bảo vệ người học và người dạy diễn ra quyết liệt đôi khi phải hy sinh cả tính mạng mới có kết quả. Toàn thể nữ tù chính trị đều đồng lòng hưởng ứng, tự nguyện tham gia. Việc học đã trở thành nhu cầu đời sống mãnh liệt của nữ tù chính trị. Một số nữ tù vì hoàn cảnh chiến tranh, nghèo khổ, trình độ học vấn rất thấp trước khi vào trại. Có người xuất thân là nông dân chân lấm tay bùn không hề biết chữ, nên nhu cầu muốn học và muốn học rất cao. Song một số nữ tù khác thuộc đội ngũ trí thức: sinh viên-học sinh, thầy cô giáo, bác sĩ, nhà báo, luật sư... đã góp sức nhiều cho phong trào qua việc nhớ lại những điều đã học, họ chính là bản giáo án tự phát, những bộ giáo khoa bằng trí nhớ giúp lớp học phát triển cùng với lòng nhiệt tâm của cả thầy lẫn trò. Nhờ vậy, nữ tù chính trị được nâng cao học vấn, có người khi vào tù không biết chữ, khi ra tù đã đạt trình độ tiểu học lớp 4/10, có thể viết thư, làm toán, đọc tài liệu, báo cáo, thậm chí sáng tác được thơ, hiểu được lịch sử dân tộc một cách tường tận sau 5 năm bị giam cầm. (Bà Nguyễn Thị Xà, Nguyễn Thị Nguyệt lúc vào từ chưa biết một chữ A, khi ra tù còn viết được cả báo tường).

backtop