Kháng chiến chống đế quốc Mỹ

Trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta, ngoại giao luôn luôn thể hiện vai trò hỗ trợ cho mặt trận quân sự và chính trị và phát huy thành quả cách mạng, là một mặt trận đấu tranh góp phần tích cực giành và bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, xây dựng và phát triển đất nước. Phát huy chiến thắng trên chiến trường, ngoại giao đã thông qua đàm phán kết thúc chiến tranh ghi nhận bằng văn kiện pháp lý Hiệp định Paris được quốc tế thừa nhận; góp phần đưa đến thắng lợi trọn vẹn mùa xuân năm 1975. Điều đó khẳng định một phương châm đã trở thành chân lý, trở thành quy luật là để đánh thắng một kẻ thù hùng mạnh phải kết hợp đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị với đấu tranh ngoại giao, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Hoạt động quốc tế của phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống Đế quốc Mỹ

Trong những năm chống thực dân Pháp, những người phụ nữ Việt Nam đã góp phần mang tiếng nói của một dân tộc bị áp bức bóc lột ra diễn đàn thế giới và kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân, phụ nữ các nước trên thế giới. Khi Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế ra đời thì đến tháng 10/1946, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã gia nhập và trở thành một thành viên của Liên đoàn, từ đó phụ nữ Việt Nam có nhiều điều kiện hơn góp phần đem tiếng nói chính nghĩa của mình ra thế giới, tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh cho hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ.

Từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ miền Nam nói riêng đã khẳng định khả năng ngoại giao sắc sảo của mình trên đấu trường quốc tế. Các chị đã tích cực tiến hành những hoạt động ngoại giao khẩn trương, sôi động trong điều kiện cực kỳ phức tạp, hiểm nghèo, vận dụng sách lược khôn khéo, phân hóa địch, hòa hoãn để tranh thủ thời gian từng ngày, chuẩn bị đề phòng tình huống không hòa được buộc lòng phải chiến đấu thì có phương án tác chiến hợp lý, không bị bất ngờ…. Cùng với uy tín của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, vai trò của phụ nữ miền Nam ngày càng quan trọng trong quan hệ quốc tế. Nhiều cán bộ ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam là nữ, như các bà: Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Chơn, Đỗ Duy Liên, Nguyễn Ngọc Dung, Phạm Thanh Vân (bà Ngô Bá Thành); nhiều cán bộ nữ đứng đầu đoàn đại biểu của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đi công tác ở nước ngoài. Trong các đoàn đại biểu phụ nữ miền Nam hoạt động ở nước ngoài, ở các hội nghị quốc tế có nhiều người là nhân chứng sống tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ. Phụ nữ còn tranh thủ mời nhiều nhà báo nữ tiến bộ như bà Madelène Riffaud (Pháp), bà Monica (Ba Lan), chị Marta (Cu Ba)... vào thăm vùng giải phóng miền Nam, tổ chức được đại hội phụ nữ quốc tế ngay tại Sài Gòn... Với phong thái ung dung, bản chất dịu dàng, tình cảm hữu nghị, lý lẽ sắc bén, các bà đã thuyết phục có hiệu quả nhiều người trong giới cầm quyền ở một số nước thân Mỹ còn hoài nghi Việt Nam, làm cho họ thay đổi thái độ, các bà còn kết hợp linh hoạt việc tranh thủ các nhân vật trong chính giới với việc tạo điều kiện cho nhân dân nước đó hiểu rõ và ngày càng có cảm tình với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, mở rộng mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.

backtop