Chế độ lao tù

Phần trưng bày này được tập trung mô tả chế độ lao tù của chính quyền Việt Nam Cộng hòa thời kỳ 1954 – 1975. Trong các nhà tù, chính quyền Sài Gòn chủ trương thực hiện chế độ trường kỳ khai thác, trường kỳ truy bức. Tùy tình hình chiến trường bên ngoài, tùy cường độ đấu tranh bên trong mà địch áp dụng chế độ “cải huấn tương xứng”. Đặc trưng cơ bản của các thủ đoạn quản trị nhà tù thời Ngô Đình Điệm là thực hiện tố cộng trong tù rất cực đoan với các thủ đoạn cưỡng bức ly khai cộng sản kèm theo là chào cờ ngụy, hô khẩu hiệu phản động, truy bức tư tưởng, đày ải cực hình nhằm khuất phục hoàn toàn tù chính trị. Sau thời Ngô Đình Diệm, chính quyền Việt Nam Cộng hòa bỏ học tố cộng, bỏ thủ đoạn cưỡng bức ly khai cộng sản, nhưng duy trì chào cờ ngụy, bắt tù nhân hô khẩu hiệu phản động, kết hợp với những thủ đọan tâm lý chiến, chiêu hồi với sự gia tăng của cố vấn Mỹ.

Chế độ lao tù của thực dân, đế quốc ở miền Nam Việt Nam

Các nữ chiến sĩ cách mạng chịu nhiều chế độ lao tù hà khắc với nhiều chiêu thức khác nhau:

* Quản lý và phân loại tù nhân, chính sách của các nhà tù là lập danh sách và hồ sơ tù, dưới sự cai quản chặt chẽ của các cai ngục được chọn lọc, đào tạo nghiệp vụ quản lý tù nhân về kinh nghiệm điều tra, xét hỏi, đàn áp các cuộc đấu tranh, khai thác đánh phá tổ chức cách mạng trong các nhà tù. Theo qui chế giam giữ tù cộng sản từ những năm 1955, các cơ quan an ninh ngụy thường dùng các tên gọi dành cho các nữ chiến sĩ cách mạng như: can cứu chính trị và can phạm chính trị. Đến 1969, Tổng nha cảnh sát thay cho các cách gọi trên thành: can phạm chính trị và can phạm cộng sản. Riêng can phạm cộng sản được phân thành ba loaị: A,B,C.

           Mỗi trung tâm cải huấn đặt dưới quyền điều khiển của một quản đốc, có 1 hay 2 phó quản đốc phụ tá. Cơ cấu tổ chức cấp dưới có thêm các ban: giám thị, cải huấn, y tế xã hội, quản trị, canh phòng. Tại mỗi phòng giam, có ban đại diện phòng, do ban quản đốc nhà lao chỉ định để theo dõi tù nhân và điều hành mọi sinh hoạt bên trong. Ngoài các điều khoản tổng quát đã quy định, mỗi trung tâm đều có quy chế riêng do ban quản đốc lập, có sự duyệt y của Giám đốc Nha cải huấn.

Nội quy bắt buộc tại các trung tâm cải huấn:

- Tất cả các can phạm phải chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa.

- Học tập các lớp chỉnh huấn do trung tâm tổ chức.

- Không được bàn luận về tình hình chính trị.

- Không tụ họp 3 người bàn tán chuyện phiếm.

- Không được lén lút nghe máy thu thanh.

- Không được lân la đến gần công chức và quân nhân.

- Không tổ chức những ngày lễ của dân tộc, không hát những bài ca yêu nước trong tù.

            Trong trại giam, nữ tù chính trị bị canh giữ rất nghiêm ngặt. Suốt phiên canh, giám thị thường xuyên qua lại trước cửa phòng để giám sát hoặc ngồi tại một vị trí có thể quan sát mọi hoạt động của nữ tù khắp các phòng giam. Buộc nữ tù chính trị phải sinh hoạt theo đúng thời khóa biểu, chỉ được ra ngoài phòng giam theo giờ ấn định. Trong phòng ăn, ngoài sân chơi, tại nơi tắm giặt đều ấn định từng khu vực cho nữ tù chính trị mỗi phòng giam. Cấm không được đi từ khu vực này sang khu vực khác, tránh trao đổi tin tức.

            Khi nữ tù chính trị bất tuân, chống đối thi hành nội quy, sẽ bị chế tài theo quy định:

- Khiển trách.

- Thâu hồi toàn thể hay một phần các quyền lợi đã thụ đắc.

- Giảm khẩu phần, ngoại trừ cơm và canh, trong 3 ngày.

- Cấm nhận tiếp tế bên ngoài.

- Biệt giam riêng, ăn cơm lạt 3 ngày/1 tuần, không cho thân nhân thăm nuôi.

- Bắt buộc di chuyển đến một trung tâm do Nha cải huấn chỉ định.

Chế tài này do quản đốc quyết định, thời gian phạt không quá 30 ngày, có thể chấm dứt khi có y sĩ khám nghiệm nếu việc chế tài phương hại đến sức khỏe của người bị giam.

* Cách thức tra tấn

Ngoài những hành động như rắc vôi bột, dùng lựu đạn cay, xịt khói, thuốc DDT… vào các phòng giam chống đối chính sách cai trị của ban quản đốc nhà tù. Nữ tù chính trị còn bị tra tấn với nhiều hình thức:

- Đánh bằng dùi cui

- Treo lên trần nhà

- Trấn nước

- Tra điện

- Bóc lột sức lao động:

- Dùng kìm hoặc kéo cắt cho da thịt chảy máu,

- Nện đầu vào vách tường, dùng cây lớn đập vào lưng.

- Bỏ vôi bột vào miệng

- Bắt phụ nữ cởi hết quần áo, tra tấn trước mặt người thân: chồng, con, cha mẹ.

- Bắt mẹ lìa con.

*Chế độ ăn uống, sinh hoạt của nữ tù chính trị

         Hệ thống nhà tù của thực dân, đế quốc thiếu thốn mọi điều kiện vật chất tối thiểu, luôn có chênh lệch giữa tiêu chuẩn quy định và mức cấp phát thực tế trong chế độ ăn uống. Tù chính trị thiếu chỗ nằm, phải thay phiên nhau người nằm, người đứng; thiếu không khí để thở; Thức ăn rất tồi tệ, gồm gạo mục pha đầy tạp chất sâu, sạn, thóc, cỏ may. Khô cá cũ, đắng, loại dùng làm phân bón được kho lỏng hoặc nướng cháy, đồ hộp thì hư hoặc hết hạn sử dụng, rau tươi hoàn toàn không có ở các khu biệt giam, Nước uống thì cực kỳ thiếu thốn, nước dùng tắm giặt càng hạn chế; quần áo và thuốc men cấp phát không đủ dùng, nữ tù thường xuyên thiếu thốn quần áo, cộng với chế độ đánh đập dã man đã làm cho nhiều nữ tù chết trong nhà lao.

* Hình thức giam cầm nữ tù chính trị

- Giam nhiều người cùng một phòng.

- Tách biệt từng người, từng phòng, từng trại.

- Xét phòng, đổi phòng liên tục

- Tăng án, cấm cố, biệt giam

             - Dùng tù trị tù

Đặc biệt, khi Hiệp định Paris ký kết, để thực hiện âm mưu giấu giữ không trao trả tù chính trị, địch thực hiện xé phòng dồn trại, đưa đi giấu, thủ tiêu nơi khác, không ai hay biết và nhiều thủ đoạn khác như:

- Không thông báo nội dung Nghị định thư cho tù nhân

   - Cải danh tù chính trị thành tù thường phạm.

   - Cưỡng bách nữ tù ký giấy chiêu hồi

   - Cô lập nữ tù chính trị trong các trại giam thường phạm

        *  Cuộc sống hàng ngày của nữ tù chính trị.

Thời khóa biểu áp dụng chung tại các trung tâm cải huấn, theo quy chế của Nha cải huấn: sáng 7 giờ, nữ tù thức dậy, chào cờ và ăn sáng tại phòng giam. Giờ sinh hoạt định kỳ trong ngày bắt đầu từ 7 đến 12 giờ bằng những bài học huấn chính mà ban quản đốc buộc nữ tù phải học. Đến 2 giờ chiều là giờ tắm rửa, lấy nước uống. Việc học huấn chính tiếp tục đến 9 giờ tối. Nữ tù chính trị bị giam cấm cố không áp dụng thời khoá biểu này… Tuy nhiên, mỗi nhà tù vẫn có các quy định riêng, áp dụng cho từng đối tượng cụ thể.

* Các nữ tù chính trị đối phó với hình thức khai báo khi bị thẩm vấn:

Nữ tù chính trị tránh không khai báo lý lịch thật, chức vụ cấp bậc, các địa phương đã hoạt động, lợi dụng lúc thay đổi người thẩm vấn mà phản cung, hoặc không khai báo thêm, hoặc phủ nhận lời đã khai để hạn chế tổn thất, không cho địch có điều kiện kéo dài thẩm vấn, truy bức, khiến chúng không thẩm vấn được, buộc phải xử án mù.

      * Các nữ tù chính trị đối phó với điều kiện sống khắc nghiệt trong tù:

                  Nữ tù chính trị phải vượt qua sự đày đọa của kẻ thù để tồn tại. Khắc phục tình trạng thiếu nước uống, nữ tù phải tính toán tiết kiệm tối đa lượng nước được cấp phát. Ngoài nữa lon sữa bò nước uống mỗi ngày, các nữ tù nhín lại một phần nhập vào quỹ nước chung của cả phòng để dành riêng cho người đau yếu. Tại các trại biệt giam, cháo là nguồn cung cấp nước thứ hai cũng bị hạn chế, cháo buổi sáng phát ít hơn các phòng khác, buổi trưa và chiều không có cháo. Nước uống đã thiếu, nước làm vệ sinh hàng ngày càng khó khăn. Kinh kỳ không có nước để giặt. Giải quyết vấn đề này, nữ tù phải hứng nước tiểu, nước mưa mà dùng.

backtop